NẮM VỮNG KĨ NĂNG GIAO TIẾP SẼ CÓ ĐƯỢC CUỘC SỐNG TUYỆT VỜI
Nhà hùng biện nổi tiếng, chuyên gia giáo dục Lí Yên Kiệt
Trong xã hội thông tin hiện đại, sự im lặng không còn là vàng nữa, nếu không biết cách giao tiếp thì dù là vàng cũng sẽ bị chôn vùi. Trong cuộc đời một con người, từ xin việc đến thăng tiến, từ tình yêu đến hôn nhân, từ tiếp thị cho đến đàm phán, từ xã giao đến làm việc… không thể không cần đến kĩ năng và khả năng giao tiếp. Khéo ăn khéo nói thì đi đâu, làm gì cũng gặp thuận lợi. Không khéo ăn nói, bốn bề đều là trở ngại, khó khăn.
Trong thời đại thông tin và liên lạc phát triển nhanh chóng, tin tức được cập nhật liên tục, các công cụ thông tin và kĩ thuật truyền thông được ứng dụng rộng rãi như ngày nay thì việc khéo ăn nói đã trở thành “cái tài số một thiên hạ”. Trong khoảng thời gian ngắn nhất, nếu ai có thể nêu bật được khả năng, thực lực của mình cho đối phương biết thì đó sẽ là người chiến thắng. Chính vì vậy mà câu nói “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” rất có ý nghĩa.
Vậy, như thế nào mới gọi là biết cách ăn nói? Nói năng lưu loát, không ấp úng có được gọi là biết cách nói chuyện không? Nói ngắn gọn, nói ít nhưng ý nghĩa thâm sâu có được gọi là biết cách nói chuyện không? Hay nhất định phải nói nhiều mới là biết nói chuyện?
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thấy rằng: Biết cách nói chuyện không nhất định là phải nói nhiều, quan trọng là phải nói đúng trọng tâm, đúng nội dung. Và điều quan trọng là phải nắm được vấn đề mình đang nói đến.
Chắc chắn rất nhiều người đã gặp phải tình huống như thế này: Có những nhân viên tiếp thị khi gặp khách hàng thì giống như một cái máy, nói không ngừng nghỉ, không để ý tới phản ứng và cảm nhận của khách hàng, không cần biết vị khách đó có đang nghe lời giới thiệu về sản phẩm hay không. Nếu làm việc như vậy thì người đó nắm chắc phần thất bại.
Trong cuộc sống và trong công việc, chúng ta cũng rất hay gặp phải hiện tượng như sau: Nhiều người khi nói chuyện với người quen thì nói rất hay, không bị mất bình tĩnh hay ấp úng. Thế nhưng khi gặp người lạ hoặc phải nói chuyện trong một đám đông, thì người đó dường như bị mất sự chủ động với ngôn ngữ, có lúc còn không biết mình đã nói gì.
Vậy làm thế nào để cải thiện và tránh gặp phải những tình huống như trên? Làm thế nào để ăn nói khéo léo? Có phương pháp và quy luật nào được áp dụng khi giao tiếp không? Có nguyên tắc và bí quyết nào cho các cuộc nói chuyện không? Trong những tình huống khác nhau, với những người khác nhau thì phải nói chuyện như thế nào, và làm sao để trình bày những điều khó nói?
Cuốn sách “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” này sẽ giải đáp những câu hỏi đó. Cuốn sách với ngôn từ rõ ràng, gần gũi với cuộc sống sẽ mang đến những kĩ năng và phương pháp giao tiếp thực dụng, chắc chắn sẽ giúp ích cho quý độc giả. Nếu như những quy tắc và phương pháp chỉ giúp một số ít người nắm được và ứng dụng, thì giá trị của nĩ là có hạn. Chỉ cần những quy tắc và phương pháp cuốn sách đưa ra giúp được nhiều người, thì giá trị của nó là vơ hạn. Tác giả của “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” đã dốc hết tâm sức nghiên cứu về các kĩ năng và quy tắc giao tiếp, đây cũng chính là giá trị lớn nhất của cuốn sách.
Một cuốn sách hay sẽ tự nói lên được giá trị của nó, và tự bản thân mỗi độc giả sẽ cảm nhận được điều đó. Quý độc giả sẽ tự nhiên yêu thích một cuốn sách có thể chạm đến trái tim và bổ ích cho mình. Còn với một cuốn sách không hay, độc giả sẽ không mua và cũng sẽ không để tâm đến. Sự hay dở của một cuốn sách do chính độc giả cảm nhận và xác định, thị trường sách cũng sẽ có đánh giá.
Cuối cùng, nhắc lại về vấn đề giao tiếp, tôi có hai điều muốn nói với độc giả: Thứ nhất là nói chuyện phải chân thành. Chân thành chính là thứ ngôn ngữ hay nhất, nếu không chân thành thì cho dù nói nhiều bao nhiêu, nắm được nhiều kĩ năng và phương pháp giao tiếp đến thế nào, tất cả cũng chỉ là vô nghĩa. Điều thứ hai là phải lắng nghe bằng trái tim. Chỉ có lắng nghe bằng trái tim thì chúng ta mới biết phải nói gì, nói như thế nào. Những người không biết cách lắng nghe thì không phải là người biết cách nói chuyện. Người biết cách nói chuyện thì chắc chắn là người biết lắng nghe.
Chúc quý độc giả đọc sách vui vẻ và có thể nâng cao được kĩ năng giao tiếp của mình. Biết cách nói chuyện khéo léo và luôn có được cuộc sống tuyệt vời.
Học giao tiếp không bao giờ là muộn – Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ.
Người Trung Quốc xưa có câu: “Nhất ngôn dĩ hưng bang, nhất ngôn dĩ diệt quốc” (Một câu nói có thể mang lại sự thịnh vượng cho đất nước, nhưng một câu nói cũng có thể mang họa diệt quốc), câu nói này là một lời khen dành cho những người biết cách ăn nói khéo léo. Những năm 40 của thế kỉ XX, người Mỹ coi “tài ăn nói”, “vàng” và “đạn nguyên tử” là ba báu vật minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của thế giới.
Trong xã hội hiện đại – thời đại của bùng nổ thông tin, sự giao tiếp và hợp tác giữa con người ngày càng trở nên quan trọng, trong đó khả năng ăn nói của mỗi người có tác dụng then chốt. Như một nhà triết học phương Tây đã từng nói: “Trên thế gian có một kĩ năng giúp con người thành công rất nhanh, được mọi người công nhận, đó chính là khả năng nói chuyện và giao tiếp”. Có biết cách giao tiếp khéo léo hay không sẽ quyết định sự thành bại của cuộc đối thoại, thậm chí là quyết định sự thành công của một con người.
Từ đó có thể thấy, tài ăn nói cho dù ở thời đại nào và ở đâu cũng đều là một nhân tố quan trọng mà tất cả các nhân tài ưu tú cần phải có. Còn những người không biết cách nói chuyện hoặc không khéo ăn nói thì cũng chỉ giống như một cái máy radio câm, mặc dù vẫn không ngừng hoạt động nhưng hầu như không thể thu hút được sự chú ý của người khác.
Mỗi con người, từ xin việc đến thăng tiến, từ tình yêu đến hôn nhân, từ tiếp thị cho đến đàm phán, từ xã giao đến làm việc… không thể không cần đến kĩ năng và khả năng giao tiếp. Nếu khéo ăn nói, bạn sẽ dễ dàng vượt qua những rắc rối nhỏ và có thể tự bảo vệ mình trong những rắc rối lớn. Còn nếu không khéo léo ăn nói, rắc rối nhỏ sẽ gây trở ngại, và rắc rối lớn sẽ gây thất bại. Cũng dễ hiểu vì sao có những người lại xếp khả năng ăn nói vào danh sách bản năng sinh tồn mà con người hiện đại cần phải có.
Nói chuyện là một kĩ năng, cũng là một nghệ thuật. Trong giao tiếp hằng ngày, cho dù là nói ít nhưng chứa nhiều ý nghĩa, hay nói ngắn mà súc tích, chỉ cần vận dụng thuần thục kĩ năng giao tiếp, thì bạn có thể dễ dàng nhận được sự tín nhiệm và hỗ trợ từ người khác.
Tuy nhiên trong cuộc sống và trong công việc, có nhiều người có thể nói chuyện tự tin, lưu loát trước người thân, bạn bè hoặc người quen, nhưng khi gặp người lạ hoặc vướng phải khó khăn rắc rối thì lại không biết cách nói chuyện, thậm chí còn không hiểu mình nói gì.
Vậy phải làm sao để tránh được tình huống này? Là những người trẻ tuổi, phải giao tiếp thế nào để có thể kết bạn năm châu bốn biển, nhẹ nhàng giải quyết các vấn đề, được đồng nghiệp tôn trọng, lãnh đạo trọng dụng?
Hãy học giao tiếp ngay từ hôm nay, trước khi quá muộn. Cuốn sách này sẽ không giảng giải những đạo lí phức tạp, cũng không nói lời giáo điều mà chỉ đề cập tới thực tế và nêu các ví dụ cụ thể từ cuộc sống. Trong những tình huống khác nhau, với những người khác nhau, mỗi việc khác nhau, sẽ cung cấp những kĩ năng giao tiếp cụ thể. Cuốn sách sẽ chỉ cho bạn thấy rõ cần phải giao tiếp, nói chuyện như thế nào.
Đương nhiên, nghệ thuật giao tiếp là một bộ môn học vấn thâm sâu, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống, trong công việc, phải nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân. Hi vọng cuốn sách “Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ” sẽ giúp ích cho quý độc giả.
PHẦN 1: DÁM NÓI CHUYỆN - NẮM VỮNG KĨ NĂNG GIAO TIẾP - CHƯƠNG 1: Dũng cảm mở lời, dám nói mới biết cách nói
Dũng cảm mở lời, dám nói mới biết cách nói
Những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội, cho dù là trong cuộc sống hay trong công việc điều có thể cảm thấy mình nói chuyện không khéo và luôn sợ mình sẽ nói sai, do đó không dám chủ động nói chuyện với người khác, để sự e ngại và nỗi lo lắng gây áp lực cho chính mình khiến bản thân bỏ lỡ nhiều việc tốt và mất đi cơ hội thăng tiến. Thực tế, không ai sinh ra đã khéo ăn nói, những người khéo nói cũng phải trải qua rèn luyện mới thành. Chỉ cần nỗ lực học tập, bạn sẽ trở thành người tuyệt vời nhất.
Khéo ăn nói do rèn luyện mà nên
Ăn nói khéo léo là chìa khóa mở ra cánh cửa giao tiếp giữa người với người, giúp bạn có thể đến gần với thế giới của người khác. Hãy nhìn những người thành công trong giao tiếp xã hội, trong công việc hay trong tình yêu, họ luôn có thể nói lên được suy nghĩ của mình, khiến người khác vui vẻ chấp nhận những suy nghĩ đó.
Những người có tài ăn nói, nói ra lời nào cũng đều khiến người khác phải chú ý đến. Thế nhưng tài ăn nói không tự nhiên mà có, kể cả đối với các chuyên gia hùng biện, không phải trong trường hợp nào những lời họ nói ra cũng đều được tán dương, tài ăn nói của họ cũng chỉ có được sau quá trình rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm.
Nói chuyện cũng giống như các tài năng khác, cũng cần không ngừng học tập, tích lũy kiến thức. Những người có tài ăn nói cũng phải rút kinh nghiệm trong từng lần giao tiếp, không ngừng nâng cao khả năng của bản thân thông qua cách quan sát người khác nói chuyện. Nói chuyện là để người khác hiểu về bạn, từ đó giành được sự tin tưởng từ họ. Nếu bạn cho rằng đối phương không hiểu mình nên không nói chuyện với họ, như vậy là bạn chưa hiểu được công dụng của giao tiếp.
Các phát thanh viên, người dẫn chương trình đều là các chuyên gia sử dụng ngôn ngữ. Thế nhưng đa phần họ đều cho rằng mình không có khiếu ăn nói từ nhỏ, vậy tại sao họ vẫn thành công nhờ vào tài ăn nói của mình? Nguyên nhân rất đơn giản, đó là vì họ tự nhận thấy mình nói năng không tốt, nên luôn cố gắng để nâng cao kĩ năng giao tiếp.
Tổng thống Lincoln vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ, trước khi bước vào con đường chính trị, thường bị mọi người chê cười vì tật nói lắp.
Thế nhưng kể từ sau khi cố gắng để trở thành một luật sư, dần dần ông đã hiểu ra tầm quan trọng của tài ăn nói. Từ đó, mỗi ngày ông đều kiên trì luyện nói trước gương hoặc bên bờ biển. Trải qua quá trình luyện tập vất vả, cuối cùng Lincoln đã thành công. Không chỉ trở thành một luật sư tài giỏi, một nhà hùng biện, Lincoln còn tham gia chính trường và trở thành vị tổng thống đáng nhớ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Từ câu chuyện của Lincoln, chúng ta rút ra được một điều: Tài ăn nói không phải do trời sinh, việc rèn luyện có thể biến một người lắp bắp thành một nhà hùng biện.
Muốn nói chuyện hay thì cần phải rèn luyện, cần chủ động nói chuyện với mọi người. Bạn sẽ có được kinh nghiệm trong quá trình giao tiếp, rèn luyện để nắm được nghệ thuật trò chuyện, đây là một quá trình học tập không thể bỏ qua. Khi xã hội phát triển, môi trường thay đổi, nội dung trong các cuộc trò chuyện của mọi người cũng có những sự đổi thay. Do đó, để ăn nói khéo léo, mỗi người cần thường xuyên luyện tập, không được tự mãn, càng không thể bằng lòng với những gì mình có.
Đặc biệt là những người trẻ tuổi, cần phải sớm rèn luyện tài ăn nói cho mình, bởi khéo ăn nói sẽ giúp bạn nhanh chóng hòa nhập với mọi người xung quanh và có lợi cho chính sự nghiệp của bạn.
Hillary Clinton được nhận định là một trong những ứng viên tổng thống Mỹ có tài ăn nói nhất. Mặc dù không có duyên với chức vụ người đứng đầu Nhà Trắng, nhưng bà đã được tổng thống đắc cử lựa chọn giữ chức ngoại trưởng.
Năm 13 tuổi, Hillary được thầy giáo đưa đi nghe buổi diễn thuyết của Martin Luther King. Sự nhiệt tình của Martin Luther King dường như đã lan tỏa tới tâm hồn bà, và sau khi được thầy giáo giới thiệu, bà đã được bắt tay với nhà hoạt động dân quyền này. Từ đó, Hillary đã trở thành người hâm mộ của Martin, bà cũng đã nhận ra ý nghĩa vô cùng to lớn của công việc diễn thuyết. Hillary đã hạ quyết tâm trở thành một chính khách với tài hùng biện xuất sắc.
Vậy làm thế nào để có tài hùng biện? Sau khi suy nghĩ kĩ, Hillary ý thức được rằng, khả năng hùng biện xuất phát từ thực tế, giống như việc chỉ có ra chiến trận mới biết cách đánh trận, chỉ có trải qua thực tế nhiều thì mới có thể có được tài ăn nói hơn người.
Trong lớp học, Hillary tích cực tham gia các buổi thảo luận với giáo viên và với bạn học. Bà luôn suy nghĩ và tìm ra các đề tài hay để tất cả mọi người cùng tranh luận. Ngoài ra, bà còn tập hợp những bạn học có cùng sở thích, thành lập một câu lạc bộ chuyên tổ chức các buổi thảo luận về mọi đề tài, từ việc quốc gia đại sự đến cuộc sống thường ngày, từ chủ đề khoa học kĩ thuật đến văn hóa nghệ thuật… Chính từ những buổi tranh luận đó, tài ăn nói của Hillary đã được nâng cao rõ rệt.
Học từ những người giỏi hơn mình là cách tiến bộ nhanh nhất. Sau mỗi buổi tan học, Hillary thường tới văn phòng giáo viên để học hỏi thêm. Nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, bà đã được tiếp xúc với rất nhiều quan niệm, tư tưởng mới. Các thầy giáo cũng đồng thời giới thiệu cho bà biết không ít những cuốn sách hay, yêu cầu bà đọc và thảo luận về những cuốn sách đó. Hillary đã không những hoàn thành yêu cầu đọc sách, mà còn tích cực suy nghĩ, nêu ra những vấn đề mình không hiểu để thảo luận cùng các thầy. Sau nhiều năm, trong một chuyến công du, khi nghĩ về thầy giáo cũ, bà đã nói: “Đó là người thầy đã làm thay đổi cuộc đời tôi, sau mỗi buổi thảo luận, thầy đều giao cho tôi một nhiệm vụ mới với hi vọng lần sau sẽ tiếp tục tranh luận về nó. Mỗi buổi thảo luận không chỉ giúp tôi nâng cao nhận thức mà khả năng ăn nói của tôi cũng tiến bộ rất nhanh”.
Tài ăn nói giúp người ta thành công, tài ăn nói của Hillary đã khiến cuộc sống của bà trở nên tuyệt vời: Không chỉ là một nghị sĩ quốc hội, giúp chồng mình là ông Clinton đắc cử tổng thống hai lần, mà bản thân bà cũng trở thành ngoại trưởng Mỹ.
Từ đó có thể thấy, chỉ cần vượt qua khó khăn, kiên trì nỗ lực học tập thì con người nhất định sẽ thành công. Do đó, đừng bao giờ bỏ qua cơ hội được rèn luyện khả năng giao tiếp, nói chuyện trước đông người.
Khi tham gia vào một tập thể, một tổ chức hoặc cuộc họp nào đó, bạn đừng nên chỉ ngồi một chỗ quan sát mà hãy tích cực hòa nhập, chủ động giao lưu với mọi người, tranh thủ cơ hội rèn luyện khả năng ăn nói. Ví dụ, chủ động giúp đỡ mọi người giải quyết công việc, đặc biệt là những việc như thuyết phục tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người. Hãy thể hiện như một người dẫn chương trình năng động, như vậy bạn sẽ có cơ hội được tiếp xúc với những người có tài ăn nói và có thể học tập những kĩ năng giao tiếp từ họ. Cứ như vậy, tự nhiên bạn sẽ có thể đảm nhận được nhiệm vụ của một người phát ngôn.
Trong cuộc sống hằng ngày, bạn cũng có thể tự tìm kiếm cơ hội được nói chuyện. Sam Levenson không chỉ là một ngôi sao truyền hình mà còn là một nhà diễn thuyết danh tiếng có tầm ảnh hưởng tại Mỹ. Khi còn là một giáo viên trung học ở New York, ông rất thích được nói chuyện, được bày tỏ ý kiến về cuộc sống, công việc với người thân, đồng nghiệp và học sinh. Thật bất ngờ là những ý kiến của ông luôn được mọi người đón nhận. Không lâu sau, ông được mời tham gia rất nhiều buổi diễn thuyết. Sau đó, Sam Levenson đã trở thành người dẫn dắt nhiều chương trình phát thanh. Cuối cùng ông quyết định bước chân vào thế giới giải trí.
Từ đó có thể thấy, không có hoạt động nào lại không cần đến lời nói, từ thương mại, xã giao, chính trị, thậm chí là sản xuất đều không thể thiếu lời nói. Cơ hội luyện tập càng nhiều thì cơ hội nâng cao cũng nhiều. Tất cả mọi thứ đều có thể trở thành đối tượng và đề tài cho các cuộc nói chuyện. Chỉ có không ngừng rèn luyện thì bạn mới biết bản thân mình có thể tiến bộ đến đâu.
Cho dù bạn có đọc bao nhiêu sách về kĩ năng giao tiếp, nhưng nếu bạn không tìm cơ hội rèn luyện khả năng ăn nói thì bạn sẽ không bao giờ có thể thể hiện xuất sắc trong lĩnh vực này.
Hãy nói như Lí Dương
Mỗi người đều có tâm lí e ngại khi nói chuyện. Khi phải nói chuyện trước đông người thì cho dù là những người thành đạt cũng có phần e ngại. Có câu nói: “Người sống vì mặt, cây sống vì vỏ”. Cái được gọi là “sống vì mặt” ám chỉ con người ta luôn quan tâm tới hình tượng của mình trong lòng người khác, luôn hi vọng người khác nhìn mình bằng con mắt ngưỡng mộ. Do lo sợ bị mất thể diện, bị người khác chỉ trích, nên trong một số tình huống giao tiếp hoặc khi phải gặp gỡ đông người, con người ta sẽ nảy sinh tâm lí e ngại, ngượng ngùng, kể cả những người thành đạt cũng không tránh khỏi điều này.
Lí Dương – Người sáng lập chương trình Crazy English, từ nhỏ là người sống khép kín, sợ nói chuyện, ngay cả nghe điện thoại cũng không dám. Vậy mà từ một người chưa bao giờ được học hành đến nơi đến chốn, đã từng thi trượt môn tiếng Anh, nhờ kiên trì rèn luyện, sau này Lí Dương đã trở thành phát thanh viên Anh ngữ nổi tiếng, người dẫn chương trình song ngữ Anh – Trung, một thầy giáo khẩu ngữ, chuyên gia phiên dịch và hùng biện tiếng Anh.
Ông đã được mời tới hơn 200 thành phố để truyền đạt kinh nghiệm học tiếng Anh, khoảng gần 20 triệu người trên toàn quốc đã từng được nghe ông giảng. Lí Dương cũng được mời tới giảng dạy tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, truyền đạt phương pháp “Crazy English” và “Crazy Chinese”. Ông cũng đã trở thành nhân vật được phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông của gần 30 quốc gia bởi ông đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng – “Crazy English” và “Crazy Chinese”.
Lí Dương cũng giống như những người trẻ tuổi khác, ông cũng đã từng e ngại, không dám nói chuyện. Nhưng nhờ sự kiên trì vượt qua khó khăn, tích cực học tập, ông đã có được sự nghiệp như ngày hôm nay.
Nói chuyện cần có dũng khí
Mọi người ai cũng có tâm lí lo lắng, e ngại khi nói chuyện, đặc biệt là những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội, họ không can đảm nói lên suy nghĩ của mình với người khác, họ luôn sợ mình nói không hay sẽ bị người khác chê cười, sợ nói sai – làm sai. Do đó, muốn thành công trong xã giao thì phải dám nói ra suy nghĩ, nuôi dưỡng sự tự tin cho bản thân.
Trong trường hợp này, dùng phương pháp trị liệu tâm lí để vượt qua chướng ngại tâm lí là cách hiệu quả nhất. Bạn có thể dùng phương pháp tác động tâm lí để thả lỏng mình, phải khiến cho tâm lí quay trở về đúng vị trí ban đầu. Có được dũng khí, bạn sẽ không sợ đối diện với bất kì ai, dũng cảm nói ra suy nghĩ, rèn luyện và dần dần tích lũy kĩ năng cũng như kinh nghiệm giao tiếp.
Về việc khắc phục tâm lí e ngại và lo lắng khi phải nói chuyện trước đám đông, Carnegie là người có rất nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm cơ bản nhất mà chúng ta có thể học từ ông ấy là: “Hãy giả sử những người nghe đang vay tiền của bạn và đang xin bạn cho khất nợ thêm vài ngày, bạn là người có quyền quyết định, bạn không cần phải sợ họ.”
Phương pháp tác động tâm lí cũng có thể nuôi dưỡng sự tự tin của một người, tự tin là một dạng ý chí, tin tưởng vào năng lực của mình. Con người có lúc nói ra những điều không hay, đó không phải là do thiếu khả năng mà là do không có đủ tự tin để nói hay.
“Nhân vô thập toàn”, trên đời này không có ai là hoàn hảo, cũng không có ai hoàn toàn vô dụng, muốn chiến thắng được nỗi sợ hãi, sự lo lắng, e ngại khi giao tiếp, thì ngoài dũng khí ra, chúng ta còn phải nắm được một số phương pháp tác động tâm lí sau đây:
Không nên nói những từ như “dù sao”, “dù thế nào”.
Phải tự tin, dùng câu khẳng định để miêu tả sự vật.
Nếu phát hiện bản thân có dấu hiệu e ngại, phải lập tức xóa bỏ tâm lí đó.
Nếu không chắc về điều gì thì không nên nói hoặc nói giản lược, dùng cách nói khác để thay thế.
Cụ thể hóa các vấn đề trừu tượng, lấy dẫn chứng cụ thể.
Khi không tự tin giải quyết việc gì thì hãy gác lại để làm sau.
Dù là chuyện gì cũng phải nghĩ đến kết quả tệ nhất sẽ như thế nào.
Tự nhắc nhở bản thân “Không có việc gì khó”.
Không nghĩ tới những điều bi quan.
Khi buồn phiền, hãy tìm tới một nơi yên tĩnh để bình tâm lại.
Khi thất bại, tìm một người bạn biết lắng nghe để chia sẻ.
Viết ra những điều khiến bạn căng thẳng ra một tờ giấy, sau đó đốt đi.
Khi mọi chuyện không thuận lợi nên bình tĩnh giải quyết từng sự việc.
Phải tin tưởng lời mình nói ra là đúng.
Hãy nói to như Lí Dương
Trong cuộc sống, có rất nhiều người trẻ tuổi không dám nói chuyện to do e ngại và do tính cách hướng nội, bởi vậy họ sẽ dễ dàng đánh mất đi những thứ vốn thuộc về mình. Nói to là phương pháp tốt nhất để rèn luyện sự tự tin, có thể giúp bạn giành được thành công.
Lí Dương không phải một thiên tài tiếng Anh bẩm sinh. Khi còn nhỏ, Lí Dương cũng rất bình thường, thậm chí còn sống hướng nội, e ngại, không dám gặp người lạ, không dám nghe điện thoại, không dám đi xem phim, còn không dám nói ra khi gặp sự cố trong lúc điều trị bệnh. Khi sắp kết thúc học kì một của năm thứ 2 đại học, Lí Dương không thể thi qua tới 13 môn học, ông cảm thấy rất xấu hổ, tự nói với mình phải thoát ra khỏi cuộc sống u ám đó. Ông đã lựa chọn tiếng Anh để thay đổi cuộc sống của mình, tự thề sẽ thi đỗ cuộc thi Anh ngữ quốc gia trong vòng 4 tháng.
Lí Dương khi đó cũng giống như những người khác, bắt đầu với rất nhiều khó khăn. Một lần rất tình cờ, Lí Dương phát hiện nếu đọc tiếng Anh thật to thì sẽ có thể tập trung cao độ. Vì thế, mỗi ngày, ông đều tới một khu đất trống trong vườn trường để đọc to những bài luận tiếng Anh, cho tới khi luyện tập nhuần nhuyễn mới thôi.
Mười mấy ngày sau, Lí Dương tới lớp học tiếng Anh, những người bạn đã rất ngạc nhiên và nói rằng: “Lí Dương, cậu nói tiếng Anh nghe hay hơn nhiều rồi”. Câu nói đó đã làm Lí Dương bừng tỉnh, ông nghĩ: Cách đọc thật to như vậy có lẽ là một phương pháp hay để học tiếng Anh. Để tránh bỏ cuộc giữa chừng, Lí Dương đã hẹn một người bạn học chăm chỉ nhất lớp cùng đọc tiếng Anh vào mỗi buổi trưa. Tại trường Đại học Lan Châu, Lí Dương và người bạn học của ông đã kiên trì đọc tiếng Anh mỗi ngày từ mùa đông năm 1987 đến mùa xuân năm 1988. Mỗi ngày, Lí Dương đều để trong túi áo đầy những mẩu giấy ghi lại các câu tiếng Anh, cứ có thời gian là ông lại lấy chúng ra đọc, từ kí túc xá đến lớp học, từ lớp học đến nhà ăn, Lí Dương đọc không ngừng nghỉ. 4 tháng sau, Lí Dương đã nói lưu loát, khả năng nghe cũng tốt hơn và phản ứng ngôn ngữ không còn chậm chạp nữa. Trong cuộc thi tiếng Anh năm đó, Lí Dương chỉ mất có 50 phút để làm bài thi, hơn nữa ông còn giành thành tích cao thứ 2 toàn trường (người có thành tích cao nhất nửa năm sau đó đã tham gia lớp học khẩu ngữ do Lí Dương giảng dạy).
Thành công đầu đời của Lí Dương đã giúp ông có những bước phát triển mạnh về sau. Ông phát hiện bản thân đã bắt đầu có sự thay đổi, những điểm yếu trong tính cách như hướng nội, tự ti, e dè đã dần mất đi trong quá trình ông học tập. Khả năng tập trung của Lí Dương trở nên mạnh mẽ hơn, trí nhớ sâu sắc hơn, ông dần dần có được sự tự tin. Ông nghĩ phương pháp này đã giúp ông thành công. Vậy tại sao lại không tổng kết, đúc rút nó thành một phương pháp hệ thống, sau đó truyền kinh nghiệm cho những người khác cùng học tập và chính phục tiếng Anh? Một Lí Dương sống hướng nội đã quyết định tạo ra đột phá – Ông sẽ tổ chức diễn thuyết. Ông đã nhờ các bạn của mình viết tờ rơi quảng cáo với nội dung: Có một chàng trai tên là Lí Dương, cậu ấy có nhiều kinh nghiệm học tiếng Anh và hi vọng được chia sẻ với mọi người. Khoảng 1 đến 2 giờ trước khi bắt đầu buổi diễn thuyết, Lí Dương còn sợ rằng ông sẽ phải bỏ cuộc, nhưng khi được bạn bè cổ vũ, ông đã can đảm bước lên, bắt đầu bài diễn thuyết đầu tiên trong cuộc đời mình.
Đây chính là câu chuyện của Lí Dương, một người luôn tự ti, e dè, sống khép kín, trải qua quá trình rèn luyện đã trở nên tự tin, dám nói và đạt được thành công. Mặc dù Lí Dương rèn luyện là để nói tốt tiếng Anh, nhưng ý nghĩa và kết quả thì không khác so với việc rèn luyện khả năng nói. Bạn cũng có thể luyện nói trong phòng riêng hoặc tại những nơi vắng người, nếu quyết tâm, bạn nhất định sẽ thành công.
Dùng giọng nói để tạo sự thu hút trong giao tiếp
Giọng nói, ngữ điệu nói chuyện của một người đều mang đến những cảm nhận khác nhau cho người nghe. Khi bạn tức giận, ngạc nhiên, nghi ngờ, xúc động… ngữ điệu mà bạn thể hiện cũng không giống lúc bình thường, cao độ của giọng nói cũng không giống nhau. Người ta thường dựa vào giọng nói, ngữ điệu nói của một người để phán đoán xem người đó có được mọi người yêu mến hay không. Do đó, ngữ điệu, giọng nói và cách sử dụng ngôn ngữ là nhân tố quan trọng trong giao tiếp.
Sử dụng ngữ điệu mềm mại
Có câu: “Một câu nói có thể khiến người ta cười, cũng có thể khiến người ta phiền não”. Những câu nói có thể khiến người khác cười thường rất ngọt ngào và êm ái. Từ cổ chí kim, việc nói năng nhẹ nhàng luôn được coi là một đức tính đẹp. Sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, mềm mại trong giao tiếp được coi là cách thức tuyệt vời nhất.
Cách sử dụng ngôn ngữ êm ái là điều mà mỗi người trẻ tuổi nên học. Trong xã hội mà áp lực cạnh tranh cao như ngày nay, những người trẻ tuổi thường rất nhiệt huyết, nhưng đôi khi lại không biết kiên nhẫn, ngôn ngữ khi nói chuyện thường rất khô cứng, như vậy sẽ khiến người nghe khó chấp nhận, làm giảm tính hiệu quả của giao tiếp. Ngược lại, ngữ điệu mềm mại, ngôn ngữ súc tích, cách nói nhẹ nhàng sẽ khiến đối phương cảm thấy gần gũi, thân thiện, cuộc nói chuyện sẽ diễn ra thuận lợi và có thể mang lại những hiệu quả bất ngờ. Những người trẻ tuổi nên chú ý tới điều này, đặc biệt là những người làm công việc tiếp thị, bán hàng.
Một nhân viên bán hàng điện gia dụng gặp một nữ khách hàng kĩ tính. Người khách hàng này xem xét mọi thứ rất kĩ lưỡng, đã gần một giờ đồng hồ nhưng vẫn chưa chọn được gì. Do có quá nhiều khách hàng nên nhân viên bán hàng buộc phải rời đi để tư vấn cho các khách hàng khác. Vị khách hàng nữ cảm thấy như mình bị bỏ rơi nên đã lên tiếng chỉ trích: “Thái độ phục vụ của các anh kiểu gì vậy? Không thấy tôi đến trước hay sao? Hãy mau tới và tư vấn giúp tôi, tôi đang vội.”
Sau khi nói chuyện với các khách hàng khác, người nhân viên lên tiếng: “Mong cô tha lỗi, công việc của chúng tôi quá bận rộn nên đã không phục vụ chu đáo, phiền cô phải chờ lâu”. Thái độ nhã nhặn của nhân viên bán hàng và sự mềm mại trong lời nói đã khiến vị khách hàng nữ phải đỏ mặt xấu hổ và thay đổi thái độ: “Tôi nói cũng hơi quá, mong anh bỏ qua.”
Người khách hàng nữ cảm thấy như mình bị bỏ rơi nên rất bức xúc, nếu nhân viên bán hàng đôi co với khách thì hậu quả nhất định sẽ rất tệ. Thực tế, có lí thì không cần phải lên giọng, không cần phải nói ra để phân biệt đúng sai rõ ràng, chỉ cần nói với
thái độ tôn trọng, khoan dung và thấu hiểu thì tự bản thân lời nói đã có sức cảm hóa, khiến đối phương thay đổi tâm lí và để sự việc phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Sử dụng kính ngữ với cách nói lễ độ, sử dụng từ trung tính với ngữ khí nhẹ nhàng chính là một nguyên tắc quan trọng trong giao tiếp.
Học nói vừa đủ nghe
Khi nói chuyện với người khác, bạn nhất định phải chú ý kiểm soát cao độ của giọng nói, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh của bạn.
Trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như trên đường đông người qua lại hay trong các công xưởng có máy móc hoạt động, bạn không thể không nói to, nhưng bình thường thì bạn không cần thiết phải nói to. Hãy thử tưởng tượng, trong một quán cà phê yên tĩnh hay trong không gian công viên tĩnh lặng, chắc chắn không nên nói quá to.
Có một số người để thu hút sự chú ý của người khác, khi nói chuyện thường cố ý nâng cao độ giọng nói. Thực tế, tầm ảnh hưởng của ngôn ngữ hoàn toàn không liên quan tới âm lượng to nhỏ của lời nói. Nói to không có nghĩa bạn sẽ thuyết phục được người khác, mà ngược lại, nó còn khiến người khác ghét giọng nói, thậm chí ghét chính con người bạn. Giọng nói to nhỏ cũng giống như âm điệu cao thấp, cũng có những phạm vi nhất định. Bạn hãy nói thử và tự bản thân xác định xem âm lượng như thế nào sẽ khiến người nghe thấy dễ chịu và dễ chấp nhận nhất.
Ly Ly là Giám đốc của một công ty quảng cáo, cô ấy rất quan tâm tới vấn đề tiếp thị khách hàng và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác giải quyết rắc rối, thế nhưng giọng nói của Lưu Ly lại rất khó nghe – Giọng mỏng đanh giống như tiếng hét của một bé gái. Ông chủ của Lưu Ly nói: “Tôi rất muốn nâng đỡ cô ấy, nhưng giọng nói của cô ấy thực sự không thể chấp nhận nổi, nó khiến người đối diện cảm thấy cô ấy không chân thành. Tôi bắt buộc phải tìm một người khác có giọng nói hay hơn đảm nhận chức vụ này.”
Rõ ràng Ly Ly đã bị mất đi cơ hội thăng tiến do âm lượng giọng nói không phù hợp của mình. Nếu như khi nói chuyện, Ly Ly có thể kiểm soát cao độ giọng nói cho phù hợp với tình hình thực tế thì cô ấy đã thành công.
Vậy làm thế nào để có được giọng nói dễ nghe? Bạn cần phải luyện tập.
Bước thứ nhất là luyện hơi. Hơi là động lực để con người phát ra tiếng nói. Hơi mạnh hay yếu có ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng phát âm. Do đó, muốn có giọng nói hay, trước tiên cần phải luyện hơi.
Luyện hơi bao gồm hít vào và thở ra.
Hít vào: Khi hít thở, cần phải hít vào thật sâu, hóp bụng và hít khí vào căng lồng ngực. Nhưng cần phải chú ý, khi hít vào không được nâng vai lên.
Thở ra: Thở ra thật chậm, dần dần đẩy khí vừa hít vào cơ thể ra ngoài. Khi thở ra hai hàm răng khép lại, để không khí từ từ thoát ra qua các kẽ răng, phải thở ra thật chậm và lâu mới có thể đạt hiệu quả tốt nhất.
Khi luyện tập hít thở, phải thật kiên trì để có được kết quả tốt.
Bước thứ hai là luyện thanh. Trước khi luyện thanh, đầu tiên phải thả lỏng thanh đới, khởi động bằng những âm nhỏ nhẹ, êm ái. Lúc mới bắt đầu tập, tuyệt đối không được hét to ngay, bởi như vậy sẽ làm hỏng hoặc khiến dây thanh bị tổn thương. Các ca sĩ hay diễn viên kịch khi luyện thanh thường bắt đầu dần dần từng bước từ thấp đến cao.
Sau khi hoàn thành các bước chuẩn bị cho dây thanh, tiếp theo sẽ chuẩn bị cho miệng. Không thể coi nhẹ tác dụng của miệng, một người có giọng nói hay hay không, phụ thuộc rất nhiều vào miệng. Sau đây là một số bài tập cơ bản:
1. Hoạt động cơ mặt bằng cách há ngậm miệng, đây là bước chuẩn bị cho hoạt động cơ mặt trong quá trình luyện thanh.
2. Luyện mũi và vòm họng, có thể thực hiện bằng cách bắt chước tiếng vịt kêu. Thế nhưng khi nói chuyện, chúng ta phải chú ý, không nên liên tục sử dụng giọng mũi, bởi nó rất dễ gây phản cảm.
3. Luyện nhả chữ. Mới nghe thì nhả chữ và phát âm có vẻ không liên quan đến nhau, nhưng thực tế chúng có quan hệ rất mật thiết. Bởi muốn nói tròn vành rõ chữ, thì nhất định phải nhả chữ rõ ràng, tròn trịa.
Những phương pháp trên có thể giúp bạn luyện giọng. Nhưng khi luyện tập cần chú ý, buổi sáng mới ngủ dậy không nên luyện ngoài trời bởi có thể làm tổn thương dây thanh. Đặc biệt là khi nhiệt độ trong nhà và ngoài trời chênh lệch quá cao, không khí lạnh đột ngột sẽ ảnh hưởng không tốt tới dây thanh.
Nói phải có tiết tấu, tốc độ thích hợp
Tiết tấu nói là gì? Chính là sự thay đổi âm lượng mạnh yếu được hình thành trong quá trình nói do cách ngắt nghỉ kết hợp với tốc độ nhanh chậm. Trong cuộc sống, có rất nhiều người khi nói thường không để ý tới tiết tấu và tốc độ, cho dù là nói chuyện gì cũng chỉ dùng một ngữ điệu và tốc độ nói nên rất đơn điệu, nhàm chán. Do đó, nắm được tiết tấu và tốc độ là điều kiện quan trọng để có thể nói chuyện hay.
Tiết tấu của ngôn ngữ không phải luôn nhất quán, mà luôn có sự khác biệt trong từng chủ đề nói. Cũng giống như tiết tấu của thơ ca và văn xuôi, hai điều này rất khác biệt, sự khác nhau đó được tạo nên bởi cách đọc theo quy tắc và không theo quy tắc. Thơ ca luôn có trọng âm, trong khi tiết tấu văn xuôi thay đổi theo cảm xúc. Nói chuyện cũng vậy, nhất định phải điều chỉnh tiết tấu nói sao cho phù hợp với chủ đề và hoàn cảnh, như vậy thì mới có thể thu hút được người nghe.
Tương tự như vậy đối với tốc độ nói. Cho dù là chuyện gì, nếu nói quá nhanh sẽ khiến người nghe có tâm lí căng thẳng và lo lắng. Không chỉ vậy, bạn sẽ không thể nói rõ ràng và người khác sẽ không hiểu bạn muốn truyền đạt nội dung gì. Còn nếu nói quá chậm, người nghe sẽ dễ cảm thấy nhàm chán và không bị thu hút.
Do đó, hãy cố gắng điều chỉnh tiết tấu và tốc độ nói phù hợp, thay đổi theo tình huống cụ thể để giọng nói của bạn có âm điệu thu hút người đối diện.
Hãy nói để người khác hiểu
Trong giao tiếp và trong cuộc sống hằng ngày, việc lỡ lời là điều khó tránh khỏi. Có rất nhiều nguyên nhân gây lỡ lời, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất là do mục đích thiếu rõ ràng, lời nói ra khiến người khác không thể hiểu.
Nói chuyện không chỉ là một nhu cầu xã giao, cũng không chỉ để mọi người quen biết và hiểu nhau, mà còn là cách để chúng ta truyền đạt ý thức và tư tưởng. Vì vậy, khi nói chuyện, đầu tiên phải xác định rõ mục đích, nói rõ ràng để người đối diện nghe và hiểu.
Tại sao cần phải nói chuyện?
Truyền đạt thông tin hoặc tri thức. Ví dụ như dạy học, đưa tin, giới thiệu sản phẩm…
Thu hút sự chú ý và hứng thú của người khác. Trò chuyện phần nhiều đều xuất phát từ mục đích xã giao, hoặc để tiếp xúc và giao tiếp với mọi người, để khẳng định sự tồn tại của bản thân hoặc để làm hài lòng người khác. Ví dụ như chào hỏi, chúc mừng, đặt câu hỏi, hướng dẫn du lịch, thuyết trình, dẫn chương trình…
Khuyến khích hoặc cổ vũ, củng cố niềm tin, động viên tinh thần, đôi lúc còn yêu cầu cả hành động phản ứng. Ví dụ như tán dương, tuyên truyền quảng cáo, đàm phán, yêu cầu, phỏng vấn xin việc, diễn thuyết trong các buổi lễ tốt nghiệp hay lễ kỉ niệm, phát biểu trong hoạt động chúc mừng.
Giành được niềm tin và sự thấu hiểu. Ví dụ như tâm sự, tìm kiếm sự ủng hộ, trò chuyện tình yêu… Chủ yếu nhằm mục đích giao lưu tình cảm, tăng cường hữu nghị và làm bền chặt các mối quan hệ.
Thuyết phục hoặc khuyên nhủ như đàm phán, phê bình, biện hộ, diễn thuyết tranh cử hoặc đưa ra ý kiến. Nhằm mục đích thay đổi quan niệm của người đối diện hoặc ngăn cản họ làm điều gì đó.
Tuân thủ các nguyên tắc giao tiếp, hiểu rõ mục đích giao tiếp là điều kiện đầu tiên để đạt được thành công. Có mục đích rõ ràng, việc nói chuyện, xã giao sẽ đạt được hiệu quả tốt đẹp, thậm chí còn có thể giúp người nói vượt qua mọi khó khăn, rắc rối.
Chỉ có hiểu rõ mục đích thì chúng ta mới biết được phải chuẩn bị tư liệu và đề tài gì, phải dùng cách nói thế nào với những kĩ năng gì trong cuộc trò chuyện. Còn nếu không xác định rõ mục đích thì cho dù có nói năng lưu loát, người đối diện cũng sẽ không thể hiểu bạn muốn truyền tải nội dung gì.
Do đó, trước mỗi lần mở lời, mọi người nên tự hỏi mình: Tại sao lại phải nói như vậy? Mình muốn diễn đạt điều gì? Tại sao lại phải nói? Hãy đoán trước những kết quả tốt đẹp, lấy đó làm mục tiêu để cố gắng.
Ngôn ngữ diễn đạt phải rõ ràng
Xã hội ngày nay phát triển rất nhanh, có nhiều điều tốt đẹp để những người trẻ tuổi theo đuổi, đặc biệt trong lĩnh vực ngôn ngữ. Thời đại phổ cập internet, đó là nơi ra đời của rất nhiều từ lóng mới thông dụng trong giới trẻ, thậm chí cả những từ và chữ mới.
Khi trò chuyện trên mạng, mọi người thường dùng những từ này, tuy nhiên, chúng lại không phải ngôn ngữ được sử dụng trong sách vở nên không thể dùng bừa. Trong một số sự kiện quan trọng, hoặc khi phải nói chuyện với lãnh đạo hay người lớn tuổi thì không nên sử dụng từ lóng để tránh khiến người đối diện không hiểu bạn đang nói gì và dễ gây hiểu nhầm.
Cũng không thể không nhắc đến từ địa phương. Mặc dù thanh niên ngày nay đều biết nói tiếng phổ thông và ít dùng ngôn ngữ địa phương, nhưng vẫn có những bạn sinh viên mới ra trường hoặc những người mới từ nông thôn ra thành phố lập nghiệp còn sử dụng nhiều từ địa phương. Nhất định phải sớm học tiếng phổ thông để tránh bị hiểu nhầm.
Ông bố vợ người Quảng vào thăm con gái lấy chồng ở Sài Gòn. Một hôm ông nói với chàng rể:
– Ngày mai con đưa ba đi Sở Thú chơi nhé! Người con rể bận công chuyện nên trả lời:
– Mai ạ? Con kẹt, ba bảo vợ con đưa đi. Tức thì người bố vợ hùng hổ:
– Tổ cha mày, mày không đưa tao đi thì thôi, tại sao lại chửi tao?
– !!!!!
Thì ra từ “con kẹt” của người miền Nam lại là tiếng chửi thề của người Quảng. Như vậy, khi nói chuyện, nhất định phải nói rõ, chính xác, học nói tiếng phổ thông, dùng từ rõ ràng để người đối diện có thể hiểu lời bạn nói.
Giao tiếp hợp hoàn cảnh, địa vị
Trong giao tiếp, nếu muốn truyền đạt thông tin thành công, để người khác chấp nhận bạn thì nhất định phải vận dụng kĩ năng ngôn ngữ, mở lời đúng lúc và nói đúng, chú ý đến hoàn cảnh nói và địa vị bản thân. Nhà văn Diệp Thánh Đào đã từng nói: “Kĩ năng quan trọng nhất là lựa chọn đúng thời điểm để nói lên thành ý.” Có thể thấy, điểm căn bản của kĩ năng ngôn ngữ nằm ở chỗ lựa chọn đúng cách nói vào đúng thời điểm thích hợp. Nếu như bạn không chú ý tới hoàn cảnh, địa vị, chỉ tìm cách thể hiện mình, nói năng bừa bãi thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Việc phải tích lũy kinh nghiệm trong thời gian dài cho chúng ta thấy lí do tại sao kĩ năng ngôn ngữ chỉ được con người vận dụng khi đã dần quen, đó là bởi nó có tính ổn định. Chỉ cần vận dụng hợp hoàn cảnh thì kĩ năng ngôn ngữ sẽ giúp chúng ta nâng cao khả năng giao tiếp và sức hút.
Một vị cán bộ cao tuổi đã về hưu sau hàng chục năm làm việc vất vả ở một cơ quan. Đơn vị công tác quyết định tổ chức lễ chia tay ông và một cán bộ khác đã từng nhiều lần được nhận danh hiệu “nhân viên ưu tú”.
Lãnh đạo và đồng nghiệp tham gia buổi tiệc đều hết lời khen ngợi những thành tích trong công việc và cách đối nhân xử thế của họ. Đương nhiên, người đã nhiều lần có danh hiệu nhân viên ưu tú nhận được nhiều lời khen hơn. Khi đến lượt hai cán bộ về hưu phát biểu, họ đã gửi lời cảm ơn sâu sắc trước sự quan tâm của mọi người. Không khí của buổi lễ trở nên vô cùng xúc động.
Để bày tỏ sự cảm ơn, đáng lẽ chỉ nên nói đến đây. Nhưng sau đó, người cán bộ cảm thấy tự ti khi thấy người đồng nghiệp còn lại nhận được nhiều lời khen, ông tiếp tục phát biểu: “Nói đến nhân viên ưu tú, rất tiếc, tôi chưa từng một lần…”. Nói đến đây, một cán bộ trẻ tuổi ngồi phía đối diện, người thường ngày vốn không hợp với ông đã cướp lời: “Không, đó là do lỗi của cháu chứ không phải do chú làm việc không tốt, chúng cháu chưa bao giờ nhắc đến tên chú.” Câu tự trách này của người cán bộ trẻ đã khiến các đồng nghiệp nhìn vị cán bộ già sắp về hưu bằng ánh mắt thương cảm. Bỗng chốc, không khí trong hội trường chùng xuống.
Trước tình huống này, một vị lãnh đạo đã quyết định sẽ phá tan bầu không khí căng thẳng. Vào thời điểm đó, ông nên tránh nói đến chủ đề nhạy cảm về nhân viên ưu tú mà nên nói tới những chủ đề khác. Tuy nhiên, vị lãnh đạo lại lập tức động viên người cán bộ sắp về hưu, nói ông không nên quá để ý tới vấn đề ưu tú hay không, bởi không đạt được danh hiệu không phải do thiếu năng lực, mà quan trọng là thực tế công việc… Vị lãnh đạo đã nhắc lại và nhấn mạnh vào vấn đề mà nhẽ ra không nên nói đến nữa, khiến cho không khí trong hội trường đã căng thẳng lại càng trở nên căng thẳng hơn.
Câu chuyện trên đây là một ví dụ điển hình cho việc nói mà không chú ý tới hoàn cảnh xung quanh, tất cả các nhân vật đều không biết cách nói. Do đó, khi nói chuyện, nhất định phải chú ý tới hoành cảnh và cách thức, một câu nói sai, một câu đỡ lời không đúng sẽ gây ra càng nhiều mâu thuẫn.
CHƯƠNG 2: Đọc nhiều – đi nhiều, tích lũy kiến thức giao tiếp
Đọc nhiều – đi nhiều, tích lũy kiến thức giao tiếp
Đọc nhiều, đi nhiều là cách tốt nhất để chúng ta tích lũy tri thức. Người xưa nói: “Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”, chỉ có đọc nhiều, tiếp xúc nhiều với xã hội thì cuộc sống của chúng ta mới có thể trở nên phong phú hơn. Khi năng lực và tri thức được nâng cao, con người sẽ có nhiều kinh nghiệm sống với kiến thức rộng hơn, chính vì vậy mà chúng ta sẽ tích lũy được kĩ năng giao tiếp xã hội.
Người xưa nói: “Phúc hữu thi thư khí tự hoa” (Chỉ cần đọc nhiều thì học sẽ thành công, khí chất tài hoa của bản thân sẽ tự nhiên trỗi dậy) . Maxim Gorky cũng nói: “Học vấn thay đổi khí chất”. Từ đó có thể thấy, tri thức là khí chất, là suối nguồn của tinh thần, cũng là nền tảng quan trọng mang tới mọi đề tài trong giao tiếp giữa con người với con người.
Mặc dù đọc sách là một việc làm đáng quý, nhưng nếu chỉ đọc mà không trải nghiệm thực tế thì những điều sách mang lại chỉ là những tri thức vô nghĩa. Do đó, trước khi giao tiếp với mọi người, nhất thiết phải chuẩn bị những đề tài mang tính chất tri thức, đương nhiên, nguồn đề tài có thể từ cuộc sống, cũng có thể từ sách vở, sau đó hãy ghi nhớ chúng và vận dụng thích hợp trong mọi hoàn cảnh.
Lợi ích của việc đọc sách
Đa số các nhà diễn thuyết đều rất yêu thích việc đọc sách, mỗi ngày ít nhất họ cũng phải đọc một tờ báo. Có người cho rằng: “Để có thể giao tiếp với mọi người tốt hơn, tìm được đề tài thích hợp thì nhất định phải am hiểu tin tức. Để am hiểu tin tức thì nhất định phải đọc nhiều sách”. Chỉ có cách tích lũy tri thức như vậy mới giúp chúng ta giao tiếp tự tin.
“Đọc” là sự chuẩn bị cho một cuộc nói chuyện. Các loại sách báo tạp chí đều mang đến cơ hội để chúng ta tìm hiểu về tình hình của một công ty hoặc một nhân vật tầm cỡ nào đó, cho dù nhớ hay không nhớ đã đọc nó ở đâu, thì điều đó cũng không quan trọng trong cuộc gặp. Ngoài ra, cũng không nên bỏ qua các loại sách báo nằm ngoài lĩnh vực công việc của mỗi người, bởi chúng sẽ giúp mọi người hiểu thêm về thế giới, giúp chúng ta thành công trong giao tiếp xã hội.
Báo chí có thể cung cấp những thông tin về đề tài cuộc sống, ví dụ như giao thông, thời tiết, thời cuộc, và cả những tin tức địa phương. Thời tiết là đề tài tuyệt vời nhất, bởi đó là thứ gần gũi nhất với con người, nếu thời tiết bất thường thì có thể dùng nó làm đề tài nói chuyện: miền Nam lũ lụt, miền Trung bão cát, thời tiết nắng nóng… tất cả đều có thể trở thành đề tài cho một cuộc trò chuyện.
Vậy, các chuyên gia giao tiếp thường đọc báo như thế nào?
Hãy đọc kĩ danh mục những tin tức chính.
Đọc từ đầu, đọc và nắm được chủ đề của mỗi trang tin tức.
Đọc đoạn đầu của những tin hay hoặc tin quan trọng. Thông thường thì đoạn đầu của một trang tin tức sẽ nói tổng quát về sự kiện mà trang tin đó sẽ đề cập đến.
Đánh giá xem tin tức có quan trọng không, có mang lại hứng thú cho bạn hoặc người nghe hay không.
Khi đọc một tờ báo, bạn không những phải nắm được những tin tức vĩ mô, tin thể thao hoặc tin kinh tế, mà còn phải nắm được những tin tức văn hóa về nơi mình đang sinh sống.
Nếu như bạn đã xem tin tức quốc tế hoặc tin tức trong nước trên một tờ báo toàn quốc, thì để tránh mất thời gian, bạn nên bỏ qua những tin tức này trên các tờ báo địa phương.
Sau khi đọc báo, biết được những chuyện mới xảy ra ở địa phương, ở trong và ngoài nước, đồng thời cũng biết hiện đang có cuộc thi gì, sự kiện giải trí gì, nắm được tình hình thời tiết… Bạn sẽ phải sử dụng những thông tin này như thế nào? Dưới đây sẽ là một số gợi ý giao tiếp sử dụng thông tin từ báo chí:
Anh đã vượt qua bão tuyết như thế nào? Anh dọn tuyết hết bao lâu?
Chị làm thế nào để giữ ấm?
Anh nghĩ đội nào sẽ vô địch? Tôi thích đội bóng XX, anh có hâm mộ đội XX không?
Đây là lần đầu tiên bạn tham gia đại hội toàn quốc phải không?
Sao bạn thích nghề này?
Anh có hay đi câu cá không? Anh thích câu cá ở đâu?
Sau khi hỏi xong câu hỏi, bạn có thể thêm 1 câu nói nữa: “Vậy anh/chị nghĩ như thế nào?”
Cho dù bạn chưa nắm vững về các đề tài, chỉ cần hằng ngày chịu khó đọc sách, chắc chắc bạn có thể giao tiếp thành công. Trên thực tế, chỉ cần hiểu được các tri thức liên quan, có hiểu biết ở mức độ nhất định các chủ đề hoặc có thể đưa ra câu hỏi khéo léo thì khi giao tiếp, bạn sẽ không khó để chia sẻ thông tin với những người khác.
Chia sẻ với mọi người
Chẳng phải bạn vẫn thường nói: “Việc này tôi biết, nhưng tôi không nhớ (biết) nó ở đâu”?
Khi bạn muốn nhớ một điều gì đó quan trọng, một câu nói hay hoặc một bài viết thú vị, có một cách rất hay là: Đọc, ghi nhớ, viết lại. Đừng quên viết rõ thời gian và nơi bạn biết điều đó. Nhiều khi, đó chính là nguồn đề tài cho một cuộc nói chuyện thú vị.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể chia sẻ thông tin cho người khác, cùng xem những bài viết thú vị, những đề tài hay để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp. Chỉ cần sau khi trích dẫn lại bài viết đó, bạn viết thêm những lời nhắn như “Đọc nó làm tôi nhớ đến bạn”, “Chúc bạn luôn thành công”, “Gửi tặng bạn, hãy chia sẻ nó với người khác”…
Có thể bạn cho rằng đó không phải là giao tiếp, nhưng trên thực tế đây là một cách khác để truyền tải thông tin. Nó thể hiện: “Tôi lắng nghe bạn, không chỉ nhớ đến bạn mà còn rất tôn trọng bạn. Do đó tôi đã trích dẫn bài viết này để gửi tới bạn”.
Cho dù bạn có trực tiếp tham gia vào một hoạt động nào hay không, nhưng bạn cũng nên nắm được kiến thức về vấn đề đó. Đừng nghĩ rằng phụ nữ không cần biết thông tin về thể dục thể thao, tương tự nam giới cũng nên đọc về cuộc sống, hiểu về thông tin xã hội, phim ảnh, nghệ thuật… Như vậy giao tiếp giữa nam và nữ sẽ có những điểm tương đồng, có thể tìm được đề tài chung khi nói chuyện.
Đọc nhiều, viết nhiều, rèn luyện bản lĩnh nói chuyện trước đám đông
“Đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”. Không có con đường tắt dành cho những người muốn trở thành nhà diễn thuyết. Bạn cần coi việc rèn luyện bản lĩnh nói chuyện trước đám đông là một mục tiêu và dần dần từng bước thực hiện mục tiêu đó. Điều này đòi hỏi bạn không ngừng học tập, không ngừng học hỏi và tích lũy kinh nghiệm.
Đầu tiên, bạn cần có khả năng nói tốt để bản thân có một vị trí vững trong xã hội. Để làm được điều này, mỗi ngày bạn đều phải rèn luyện cách nói chuyện, tập luyện phong thái và học cách nói thuyết phục. Ngoài ra bạn phải đọc sách về các danh nhân, đọc những cuốn sách mà họ viết, cho dù là cổ điển hay hiện đại. Hãy tự nói với mình rằng, bạn phải học được bản lĩnh nói chuyện từ trong các cuốn sách.
Khi đọc sách để nâng cao năng lực diễn thuyết, phải đặc biệt chú ý tới cách sử dụng từ ngữ. Vừa phải đọc và vừa nghĩ: Phải làm thế nào để thể hiện tốt hơn? Có cần sự thay đổi nào không? Và sử dụng cách nói nào trong tình huống nào là thích hợp nhất?
Cùng nói về một việc, nhưng với mỗi tác giả sẽ có một cách diễn tả khác nhau. Mỗi người đọc cũng sẽ có cảm nhận không giống nhau. Cần phải đặc biệt chú trọng tới điều này. Cho dù nội dung có hay thế nào, nhưng nếu cách sử dụng ngôn ngữ không đặc sắc, không có phong cách thì tác phẩm sẽ không để lại ấn tượng đẹp, người đọc sẽ nhanh bị nhàm chán.
Tóm lại, cần phải không ngừng học tập tri thức trong sách vở, trong xã hội. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và bắt đầu ngay bây giờ. Chỉ cần bạn không ngừng học tập, bạn sẽ trở thành một chuyên gia giao tiếp với những đề tài nói chuyện đa dạng, phong phú.
Kiến thức bác học trong giao tiếp
Trong giao tiếp, nếu bạn có kinh nghiệm cuộc sống phong phú và vốn kiến thức uyên bác thì sẽ không khác gì “hổ mọc thêm cánh”. Kiến thức uyên bác sẽ giúp ích cho bạn trong mọi tình huống, giúp bạn tham gia vào mọi chủ đề, bạn sẽ như “cá gặp nước” trong cuộc nói chuyện.
Ví dụ như khi diễn thuyết, trên thế giới không một ai có thể có một bài diễn thuyết hoàn hảo nếu không chuẩn bị trước, bởi vì nội dung diễn thuyết không thể bê nguyên xi từ bất cứ nguồn tư liệu nào, cũng không có sự sẵn sàng về mặt tư tưởng. Do đó, có rất ít người có thể tự tin, ung dung nói chuyện trước đám đông trong điều kiện không có bất cứ sự chuẩn bị nào. Và những người này đều rất được hoan nghênh.
Làm thế nào để có thể có được kiến thức uyên bác và vận dụng hiệu quả trong lời nói, nâng cao khả năng giao tiếp?
Kiến thức chủ yếu đến từ hai nguồn là sách vở và cuộc sống. Thế nhưng không thể rập khuôn, áp dụng kiến thức một cách máy móc mà cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Sự uyên bác của một người không nằm ở chỗ người đó biết về mọi việc mà là ở chỗ người đó nhìn nhận và lí giải sự việc như thế nào.
Nếu bạn muốn rèn luyện bản thân, tu thân dưỡng tính bên cạnh việc tích lũy tri thức, những cuốn sách sau đây sẽ giúp ích cho bạn:
Sách tri thức: “Thế giới của Sophia”, “Giới tính thứ hai”…
Tu thân: “Tây sương kí”, “Cuốn theo chiều gió”, “Jane Eyre”, “Bà Bovary”, “Anna Karenina” “Trà hoa nữ”, “Kiêu hãnh và định kiến”…
Dưỡng tính: “Lá cỏ” (Leaves of Grass ), “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”, “Thương nhớ Mười Hai”…
Đương nhiên trong cuộc sống, nội dung các cuộc trò chuyện còn có thể đề cập đến lịch sử, những cuốn sách sau sẽ giúp bạn có thêm kiến thức lịch sử: Việt Nam sử lược, Ngàn năm áo mũ, Nhật kí Đặng Thùy Trâm…
Chỉ cần đọc nhiều sách là bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức bổ ích. Nếu nắm vững nội dung sách, bạn sẽ có rất nhiều chủ đề cho một cuộc nói chuyện thú vị.
Thời nhà Thanh, Kỉ Hiểu Lam và Hòa Thân là quan cùng triều, không cần nói, ai cũng biết Kỉ Hiểu Lam là một tài tử, ông đã đọc rất nhiều sách. Thực tế, Hòa Thân cũng là một người có trình độ văn hóa rất cao, nếu không thì sao ông có thể ở bên cạnh vua Càn Long trong nhiều năm như vậy. Chúng ta hãy xem xem hai vị bác học này thể hiện thế nào trước vua Càn Long.
Một ngày, vua Càn Long cùng với Hòa Thân và Kỉ Hiểu Lam đến nghỉ dưỡng tại núi Thừa Đức, ba người cùng đi bộ ngắm cảnh trong vườn.
Càn Long biết Hòa Thân và Kỉ Hiểu Lam chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng nên có ý muốn hòa giải.
Lúc này, đột nhiên vua Càn Long hỏi:
“Cái gì cao? Cái gì thấp? Cái gì đông? Cái gì tây?” Kỉ Hiểu Lam đương nhiên không muốn bỏ lỡ cơ hội thể hiện mình trước Hoàng Thượng nên đã trả lời trước: “Quân vương cao, thần tử thấp, văn ở phía đông, võ ở phía tây”.
Hòa Thân thấy Kỉ Hiểu Lam tranh trả lời trước nên rất bực mình, nhưng không còn cách nào, ông cũng đành tán đồng.
Ba người đi lên một cây cầu, Càn Long yêu cầu Hòa Thân và Kỉ Hiểu Lam lấy nước làm đề tài để sáng tác một bài thơ. Sau khi nghe xong, Kỉ Hiểu Lam lại tranh trả lời trước, ông đã đọc ngay một bài thơ với ngụ ý ví Hòa Thân chỉ như một con gà.
Sau khi nghe xong bài thơ của Kỉ Hiểu Lam, Hòa Thân rất tức giận và ngay lập tức sáng tác một bài thơ đáp trả với ngụ ý cảnh cáo Kỉ Hiểu Lam không nên nhiều chuyện, nếu không sẽ có kết thúc không tốt đẹp.
Nghe xong hai bài thơ của Kỉ Hiểu Lam và Hòa Thân, Càn Long biết hai người vẫn ở thế đối đầu. Nhưng ông cũng nghĩ, đối với việc quốc gia, đó chưa hẳn là chuyện không tốt. Vua Càn Long chỉ mỉm cười không nói gì và từ bỏ ý định hòa giải hai người.
Kỉ Hiểu Lam và Hòa Thân đã cho thấy cái tài của mình trong từng câu thơ, nếu hai người không có trình độ cao thì không thể nói ra những câu nhằm công kích đối phương như vậy. Hai người cũng sẽ không thể tự tin mà đối đáp nhau trước vua Càn Long – một người có trình độ học vấn thâm sâu.
Đương nhiên, ngoài những kiến thức trong sách vở, kiến thức trong cuộc sống cũng vô cùng quan trọng. Cho dù là giao tiếp nội bộ hay ngoại giao giữa các quốc gia, đều là việc cần phải học tập. Chỉ có như vậy, bạn mới có thể nắm được điểm yếu của đối phương và đạt được mục đích của mình trong hoạt động xã giao.
Sau đây là câu chuyện Mai Nhữ Ngao đại diện cho Trung Quốc tham gia phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh Nhật Bản.
Tháng 7 năm 1945, bốn quốc gia là Trung Quốc, Mỹ, Anh, Liên Xô đã thành lập tòa án quân sự quốc tế Viễn Đông tại Nhật Bản để xét xử tội phạm chiến tranh. Mai Nhữ Ngao đã tham gia phiên tòa với tư cách là một quan tòa của Trung Quốc.
Trước khi diễn ra phiên tòa, giữa các nước đã diễn ra tranh chấp về thứ tự ghế ngồi.
Các bên tranh luận không ngừng về vị trí ghế ngồi đầu tiên bên tay trái.
Các bên tranh luận không ngừng về vị trí ghế ngồi đầu tiên bên tay trái.
Mai Nhữ Ngao ý thức được mình đang đại diện cho hàng triệu người dân Trung Quốc và hàng trăm nghìn chiến sĩ đã hi sinh đến tòa án quốc tế Viễn Đông để xét xử tội phạm chiến tranh. Khi đó, mặc dù Trung Quốc được coi là một trong những cường quốc của thế giới, nhưng thực ra chỉ là hư danh. Trong tình huống phải đối mặt với tám vị quan tòa đang tranh luận sôi nổi, vì thể diện quốc gia, Mai Như Ngao cũng quyết không nhượng bộ. Ông đã nói trước tất cả mọi người: “Nếu là vị trí của cá nhân tôi, thì tôi không để ý, nhưng là đại diện của một quốc gia, tôi cần phải xin chỉ thị của chính phủ”.
Câu nói của Mai Nhữ Ngao đã khiến các vị quan tòa sửng sốt. Thiết nghĩ, nếu quan tòa của các nước đều xin chỉ thị quốc gia, vậy phải thảo luận đến bao giờ mới tìm ra cách giải quyết? Đến bao giờ mới sắp xếp được vị trí chỗ ngồi? Thấy vậy, Mai Nhữ Ngao đã lên tiếng nói rõ quan điểm của mình, “Ngoài ra, tôi cho rằng thứ tự chỗ ngồi của các nước trong phiên tòa nên căn cứ theo thứ tự đầu hàng mà sắp xếp là hợp lí nhất. Trong phiên tòa xét xử tội phạm chiến tranh Nhật Bản hôm nay, Trung Quốc là nước bị hại nhiều nhất, thời gian kháng chiến cũng dài nhất, hi sinh về người cũng lớn nhất. Do đó, đất nước Trung Quốc với lịch sử tám năm kháng chiến đẫm máu nên xếp thứ hai”.
Thế nhưng, một ngày trước khi diễn ra phiên tòa, chánh án phiên tòa đột nhiên tuyên bố thứ tự được xếp như sau: Mỹ, Anh, Trung Quốc, Liên Xô… Mai Nhữ Ngao thấy rằng, nếu không đấu tranh trong phiên tòa trù bị thì thứ tự trong phiên tòa chính thức vẫn sẽ như vậy. Ông lập tức phản đối, cởi áo choàng đen và không bước lên vị trí. Ông nói: “Mặc dù hôm nay chỉ là phiên tòa trù bị nhưng có rất nhiều phóng viên nhà báo đến dự. Nếu ngày mai đăng báo thì trù bị sẽ trở thành sự thật. Nếu các vị không phản đối, tôi yêu cầu biểu quyết về ý kiến của tôi. Còn nếu không tôi sẽ không tham gia phiên tòa, tôi sẽ về nước và xin từ chức”.
Chánh án phiên tòa đành phải tiến hành biểu quyết, cuối cùng vị trí chỗ ngồi trong phiên tòa được sắp xếp lại như sau: Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, Canada, Pháp…
Câu chuyện trên cho thấy Mai Nhữ Ngao đã vận dụng kinh nghiệm và kiến thức xã hội phong phú trong lời nói khiến đại diện các quốc gia khác phải tâm phục khẩu phục và đồng ý sắp xếp vị trí chỗ ngồi theo đề xuất của ông. Nếu Mai Nhữ Ngao không hiểu tầm quan trọng của vị trí ngồi, nếu ông không hiểu được bản chất của việc các nhà báo đến phiên tòa trù bị thì ông đã không thể thành công.
Có thể thấy, nếu muốn có được khả năng ăn nói hơn người, muốn chiếm được thế chủ động trong giao tiếp thì bạn phải liên tục tích lũy tri thức, không ngừng vận dụng thực tế, học tập và sáng tạo. Chỉ cần có kiến thức uyên bác, hiểu biết xã hội sâu rộng thì bạn sẽ luôn có nguồn đề tài phong phú và thành công trong giao tiếp.
Comments
Post a Comment