Thế nào là sốc phản vệ

TTO - Thế nào là sốc, sốc phản vệ? Hãy hiểu đúng về việc này trước khi kết luận sốc phản vệ.
Sốc là trạng thái xảy ra khi rối loạn nghiêm trọng các hoạt động nhiều cơ quan trong cơ thể mà trước hết là tuần hoàn và thần kinh dẫn đến hạ huyết áp, không bắt được mạch (còn gọi là trụy mạch), thở gấp, rối loạn nhịp thở cùng nhiều rối loạn khác. Nếu không được cấp cứu, dễ dẫn đến tử vong.
Có nhiều nguyên nhân gây ra sốc: do mất máu, giập nát cơ thể khi bị chấn thương, do chảy máu nhiều (chảy máu của sản phụ khi sinh là một ví dụ), do ngộ độc thuốc, hóa chất, thức ăn bẩn hoặc do cơ thể bị nhiễm trùng...

Còn sốc phản vệ là một trong những dạng sốc xảy ra do sự tương tác giữa kháng nguyên và kháng thể (chủ yếu là lớp kháng thể IgE) dẫn đến xuất hiện trong cơ thể một lượng lớn các yếu tố gây giãn mạch nội sinh làm hạ huyết áp. Ví dụ kinh điển nhất của sốc phản vệ là sốc do tiêm kháng sinh penixilin.
Sốc phản vệ chỉ xảy ra ở những cơ thể có “cơ địa dị ứng” (nghĩa là phản ứng bất thường xảy ra ở người này nhưng chưa chắc xảy ra ở cơ thể khác). "Cơ địa” là đặc tính cơ thể của từng người, mà người thầy thuốc (trong điều trị) khó tránh khỏi gặp "tai nạn" này.
Muốn kết luận là sốc phản vệ thì phải có thời gian để tìm các bằng chứng về miễn dịch học. Ví dụ, vụ chạy thận ở Hòa Bình làm 7 người chết và nhiều người khác bị ảnh hưởng, khó có thể nói là sốc phản vệ vì các người bệnh này đã chạy thận nhiều lần, những lần trước đó họ không bị.
Việc vội vàng giải thích các sự cố y khoa, nhất là các sự cố gây chết người là do sốc phản vệ, là thiếu thận trọng.
Trước hết phải nói rằng khi xảy ra những sự cố nghiêm trọng như vậy, người thầy thuốc có tâm lý muốn dùng các từ ngữ chuyên môn (thậm chí các từ ngữ chuyên môn sâu) mà người dân ít hiểu nhằm trấn an dư luận là "ta đã tìm ra nguyên nhân". Nhưng làm như vậy là nguy hiểm, vì các lý do sau:

Một là: có thể do người thầy thuốc đó chưa nắm vững kiến thức y học. Họ không phân biệt được sốc và sốc phản vệ. Họ học miễn dịch học chưa giỏi và nói rộng hơn là yếu kiến thức y học cơ bản.
Hai là: vội vàng nói như vậy làm cho người ta hiểu là mình muốn đổ lỗi cái chết là không tránh được vì “cơ địa người bệnh” (kiểu như ý trời). Nhỡ đâu còn do nhiều nguyên nhân khác như nước dùng để chạy thận nhân tạo không đạt tiêu chuẩn, lẫn tạp chất hay nhỡ đâu máy thận nhân tạo, quả lọc thận trục trặc và nhiều nguyên nhân khác... thì sao?

Nói gì đi nữa, để xảy ra sự cố y khoa đáng tiếc như vậy thì cũng đã sai lớn rồi, đừng vội vàng quy chụp nguyên nhân ấy một phần hay tất cả do người bệnh có “cơ địa” như thế.


Xem thêm:

KHI CÔNG VIỆC ĐỐI VỚI BẠN LÀ ĐỊA NGỤC

Comments